5. Phòng, chống tham nhũng và liêm chính trong DNNN

Việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (Luật PCTN) năm 2005 được cộng đồng quốc tế công nhận là một bước tiến quan trọng để giải quyết các vấn đề tham nhũng đang ảnh hưởng đến đất nước. Đây là sáng kiến đầu tiên trong số nhiều sáng kiến của chính phủ về chủ đề này, và Luật này đã được sửa đổi nhiều lần1. Kể từ khi ban hành Luật PCTN và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng như mô tả dưới đây, Việt Nam đã chứng kiến số lượng kỷ lục các Đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam được gọi là “Đốt lò”,

Năm 2009, chính phủ đã thông qua Chiến lược Quốc gia Phòng, chống Tham nhũng đến năm 2020 và một Kế hoạch Hành động kèm theo. Chiến lược này tập trung vào năm nhóm giải pháp: (i) tăng cường tính minh bạch trong các chính quyền và cơ quan nhà nước; (ii) hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế; (iii) xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; (iv) nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; và (v) nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Chiến lược Quốc gia Phòng, chống Tham nhũng nhằm bổ trợ cho Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tăng cường đấu tranh chống tham nhũng và lãng phí (5.3).

Cùng với Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã khởi động chuỗi “Chương trình Sáng kiến Phòng, chống Tham nhũng Việt Nam” (VACI) trong các năm 2011, 2013 và 2014 (World Bank, 2013[1]). Sáng kiến này tài trợ cho các phương pháp giải quyết tham nhũng sáng tạo. Những chiến lược và chương trình này được đưa ra vào thời điểm nạn tham nhũng vẫn được coi là phổ biến và cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Ở thời điểm đó, Việt Nam bị các quốc gia châu Á khác bỏ xa về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International). Quyền tự do dân sự và chính trị cũng như năng lực của giới truyền thông và xã hội dân sự còn hạn chế.

Năm 2018, Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi và cùng với Nghị định về Kiểm toán nội bộ đã có tác động đến cách tiếp cận của DNNN trong kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và trách nhiệm giải trình trước xã hội. Việc áp dụng luật này và các quy định liên quan đối với DNNN được trình bày dưới đây.

Các bên liên quan cho biết Đảng rất nghiêm túc và thậm chí là quyết liệt về vấn đề tham nhũng. Có thể nhận thấy, việc Đảng ưu tiên xóa bỏ tham nhũng đồng nghĩa công tác phòng, chống tham nhũng cũng được chính phủ và các cơ quan nhà nước coi trọng. Tuy nhiên, những chiến dịch phòng, chống tham nhũng lớn như vậy của chính phủ có thể mang lại hiệu quả răn đe – chẳng hạn như trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại Việt Nam.

Hồi tháng 1, vào thứ Hai, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng, 69 tuổi, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, 10 năm tù vì “tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Mức án này được đưa ra tại phiên tòa phúc thẩm đối với ông Hoàng và ba bị cáo khác trong một vụ án liên quan đến Bộ Công thương, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Thành phố Hồ Chí Minh, khiến Nhà nước thất thoát hơn 2,7 nghìn tỷ Đồng (118,9 triệu Đô la Mỹ) trong giai đoạn 2007-16. Theo cáo trạng, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuộc Bộ Công thương quản lý đã được giao hơn 6.000 m2 đất tại địa chỉ số 2-4-6 Đường Hai Bà Trưng, trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh vì mục đích sản xuất kinh doanh. Sabeco đã tiến hành các thủ tục về quyền sử dụng đất và góp vốn thành lập Sabeco Pearl, một liên doanh giữa Sabeco và một số công ty tư nhân, để triển khai dự án xây dựng một khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê trên khu đất đó. Việc Sabeco góp vốn vào dự án này cùng các doanh nghiệp tư nhân trong liên doanh đã gây tổn thất hơn 2,7 nghìn tỷ đồng cho Nhà nước2.

Trong những hệ thống có một đảng cầm quyền, phải luôn chú ý đến khả năng đảng đó đứng trên pháp luật hoặc cản trở công tác thực thi pháp luật nếu việc đó gây bất lợi hoặc làm bộc lộ những điểm yếu trong Đảng. Cụ thể đối với DNNN, sự hiện diện và tham gia của Đảng trong việc “kiểm soát” doanh nghiệp có khả năng (i) cho thấy những thiếu sót lớn trong cơ cấu kiểm soát của doanh nghiệp và (ii) khó khích lệ các cơ quan kiểm soát khác hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những nội dung này cùng các thách thức khác về kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro đối với DNNN sẽ được bàn thảo tại Phần II, cụ thể là Mục 5.3 và 7.10.

Bất chấp những tiến bộ và cải cách trong thời gian qua, các thách thức liên quan đến tham nhũng vẫn còn tồn tại ở Việt Nam. Về các DNNN, Phần II sẽ nêu cụ thể một số quan ngại về sự kết hợp rối rắm giữa cả cơ chế kiểm soát của nhà nước và cách tiếp cận của doanh nghiệp trong kiểm soát nội bộ doanh nghiệp, và hệ lụy gây ra đối với chất lượng kiểm soát nội bộ, sự tồn tại và ý nghĩa của cơ chế quản lý rủi ro và công bố thông tin, cũng như tính tự chủ của một số vị trí chủ chốt. Trên thực tế, một báo cáo gần đây do VCCI thực hiện cho thấy các DNNN đặc biệt phụ thuộc vào việc bổ nhiệm dựa trên mối quan hệ. Các bên liên quan cho biết các DNNN phải đối mặt với rủi ro tham nhũng, đặc biệt là liên quan đến mua sắm công. Tại thời điểm lập báo cáo này, TTCP đang xây dựng một báo cáo về tình hình DNNN tuân thủ các quy định về phòng, chống tham nhũng. Tuy một số bên liên quan có ám chỉ tới một số thách thức và điểm bất thường liên quan đến tham nhũng xảy ra ở DNNN, hầu như không ai chia sẻ cụ thể về vấn đề này.

Văn bản luật chính về phòng, chống tham nhũng áp dụng cho DNNN là Luật Phòng, chống tham nhũng (số 36/2018/QH14 năm 2018). Luật này giao trách nhiệm phòng, chống tham nhũng không chỉ cho các tổ chức, công ty nhà nước và ngoài nhà nước, mà còn cho cả công dân Việt Nam. Luật nghiêm cấm một loạt các hành vi tham nhũng, trong đó hình sự hóa hành vi tham nhũng bất thành và thụ động hoặc chủ động đưa/nhận hối lộ, bao gồm hối lộ các quan chức nước ngoài.

Luật này áp dụng cho DNNN theo hai cách. Ở cấp độ tổ chức, cụm từ “doanh nghiệp nhà nước” được hiểu là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ và được phân loại là “cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước”. Trong khi đó, các DNNN do nhà nước sở hữu đa số được hiểu là chịu điều chỉnh của các điều khoản liên quan đến “doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước”. Luật PCTN áp dụng nhiều yêu cầu về phòng, chống tham nhũng đối với DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ hơn so với DNNN do nhà nước sở hữu đa số (hay công ty đại chúng). Ở cấp độ cá nhân, “đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp” - cả doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ và sở hữu đa số - được gọi là “người có chức vụ, quyền hạn” và phải tuân thủ tất cả các điều khoản liên quan.

Luật này yêu cầu các DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ, và trong một số trường hợp, cụ thể là đại diện chủ sở hữu nhà nước, thực hiện một số biện pháp phòng ngừa và giải quyết kịp thời vấn đề tham nhũng khi cần thiết, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người báo tin, tố giác, cung cấp thông tin và tuân thủ yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Đối với cả DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ và đa số, luật quy định những biện pháp tối thiểu về minh bạch và công bố thông tin, xung đột lợi ích và quy tắc ứng xử dành cho người có chức vụ, quyền hạn như mô tả dưới đây. Tuy nhiên, trong các biện pháp kiểm soát quy định trong luật, không bắt buộc triển khai một chương trình phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ có trách nhiệm tuân thủ các chủ trương, định hướng của Đảng về quản trị và điều tiết DNNN. Theo các Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính phủ giao các bộ ngành và ủy ban nhân dân xây dựng các chính sách liên quan đến DNNN theo ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn. Chiến lược của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của quốc gia, cũng như quy hoạch quốc gia về các ngành, lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp.

Trong một công ty, BKS cần phải đóng một vai trò quan trọng do họ có chức năng giám sát ban lãnh đạo và hoạt động kinh doanh của DNNN và tùy từng trường hợp, có thể tiến hành hoặc được yêu cầu tiến hành điều tra. Tuy nhiên, có một số quan ngại lớn về khả năng thực hiện vai trò này của BKS trên thực tế. Người đứng đầu “cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước” - được gọi là Tổng giám đốc (TGĐ) – cần phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho những hành vi tham nhũng của người trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình quản lý. Cấp phó của người đứng đầu tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi để xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình phụ trách; người đứng đầu tổ chức phải chịu trách nhiệm liên đới (Luật PCTN, Điều 72).

Điều 7 Luật PCTN giao trách nhiệm cho nhiều đối tượng giám sát và thúc đẩy phòng, chống tham nhũng, không chỉ ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước mà trên toàn xã hội.

  • Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo chuyên trách được thành lập năm 2009 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, có vai trò hướng dẫn, điều phối và giám sát các hoạt động phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo phụ trách công tác phòng, chống tham nhũng trên toàn xã hội, bao gồm phòng, chống tham nhũng trong các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Văn phòng Ban Chỉ đạo được thành lập để giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Năm 2008, Ban Chỉ đạo được thành lập ở cấp địa phương và gây ra một số tranh cãi về vấn đề tự chủ (U4 Anti-Corruption Resource Centre, 2012[2]).

  • Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách.

  • Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.

  • Đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng.

  • Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, ban của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) chịu trách nhiệm quản lý các cuộc thanh tra, khiếu nại và xử lý tham nhũng. Thành lập vào năm 1956, cơ quan này được trao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong Luật PCTN năm 2005. TTCP bao gồm các cục, vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Cục Phòng, chống Tham nhũng - đơn vị điều tra các khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, bao gồm tham nhũng trong DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ. Theo Luật Điều tra, TTCP thực hiện quản lý công tác thanh tra và có thể xác định những sơ hở trong các quy định pháp luật liên quan và khuyến nghị cho các nhà lập pháp. Thủ tướng Chính phủ có thể giao TTCP điều tra các DNNN không do nhà nước sở hữu toàn bộ khi vấn đề phức tạp hoặc có liên quan đến nhiều ngành hoặc nhiều đơn vị. Luật này cũng đưa ra hướng dẫn cho các cơ quan thanh tra khác trong chính phủ - ví dụ, hướng dẫn CMSC giám sát DNNN trong trường hợp không có đơn vị thanh tra chuyên trách; dù vậy, CMSC vẫn có thể là đối tượng thanh tra của TTCP. Đồng thời, chính phủ cũng giám sát hoạt động của TTCP khi cơ quan này thực hiện các cuộc điều tra bằng cách cử đoàn giám sát, kiểm tra hoạt động của TTCP. Các bộ ngành được giao trách nhiệm thanh tra các DNNN do nhà nước sở hữu đa số do bộ chủ quản, nhưng dường như các cuộc thanh tra như vậy thường liên quan đến lĩnh vực mà bộ có thẩm quyền quản lý. Thanh tra bộ báo cáo về vấn đề này cho TTCP cũng như theo hệ thống báo cáo riêng của Bộ. TTCP cũng tổ chức các kỳ đối thoại về phòng, chống tham nhũng hai năm một lần, bao gồm về các ngành hoạt động cụ thể của DNNN.

Kiểm toán Nhà nước (KTNN), được mô tả trong Chương 4, có trách nhiệm xác minh tính chính xác và hợp pháp của các khoản chi ngân sách nhà nước, bao gồm chi tiêu của của DNNN. KTNN báo cáo cho Quốc hội. Quốc hội bổ nhiệm Kiểm toán viên Nhà nước theo khuyến nghị của Chủ tịch nước (chờ xác nhận). Theo báo cáo, trong quá trình thực hiện kiểm toán, KTNN đã phát hiện một lượng lớn ngân sách nhà nước bị tổn thất do gian lận. KTNN và TTCP đã ký Biên bản ghi nhớ về quy chế phối hợp, tránh chồng chéo giữa hai cơ quan. Đặc biệt, hai cơ quan này tổ chức các cuộc họp để điều phối các kế hoạch hằng năm để tránh đồng thời cùng đến kiểm tra một DNNN. Các cơ quan cũng chia sẻ thông tin thu thập được khi đi kiểm tra doanh nghiệp để tạo thuận lợi cho công việc của nhau. KTNN có lịch luân phiên kiểm toán DNNN, nhưng TTCP không có lịch thanh tra như vậy.

Các cơ quan khác cũng được tạo điều kiện tham gia thúc đẩy tính liêm chính trong kinh doanh trong các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm DNNN. VCCI đặc biệt tích cực trong việc thúc đẩy, hồi cứu các nghiên cứu đã công bố về tính liêm chính trong kinh doanh. Kể từ năm 2014, VCCI đã hợp tác với UNDP và Đại sứ quán Vương quốc Anh trong “Chương trình Liêm chính trong Kinh doanh”. Đầu năm 2021, các đối tác của dự án đã công bố một bộ tiêu chí về liêm chính trong kinh doanh mà DNNN và các công ty khác có thể áp dụng. Năm 2015, VCCI đã tiến hành đánh giá công tác quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam, có áp dụng Bộ Hướng dẫn của OECD.

Đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp - bao gồm thành viên HĐTV, HĐQT và BKS - phải tuân theo quy tắc ứng xử (Điều 20), các quy tắc về tặng quà và nhận quà (Điều 22) và kiểm soát xung đột lợi ích (Điều 23).

Những người có chức vụ, quyền hạn phải tuân theo quy tắc ứng xử trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và trong các mối quan hệ xã hội của mình. Quy tắc này bao gồm các chuẩn mực xã hội, các hành vị được phép và các hành vi bị nghiêm cấm nhằm duy trì tính liêm chính, trách nhiệm và chuẩn mực đạo đức của người có chức vụ, quyền hạn. Các hành vị bị nghiêm cấm bao gồm nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị... Thành viên HĐTV/HĐQT, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và người giữ chức danh, chức vụ quản lý khác trong DNNN do nhà nước sở hữu toàn không được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp.

Quy định cũng nghiêm cấm họ tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp. Theo cách hiểu của chúng tôi, Luật PCTN cũng quy định “người đứng đầu, cấp phó” của DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp cho phép DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ tham gia vào hợp đồng, giao dịch với người có liên quan (bao gồm các hợp đồng, giao dịch bị cấm trong Luật PCTN) nếu được sự chấp thuận của HĐTV hoặc Chủ tịch công ty, TGĐ và Kiểm soát viên của công ty (hoặc HĐQT hoặc ĐHĐCĐ, tùy vào loại hình DNNN). Theo suy luận của nhóm công tác, có những hạn chế đối với việc cá nhân tham gia vào hợp đồng, giao dịch, nhưng doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng, giao dịch nếu được sự chấp thuận của bộ máy quản lý doanh nghiệp mà cá nhân đó thường là thành viên.

Nhà nước kỳ vọng các DNNN sẽ quản lý xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn (Luật PCTN, Điều 23). Cá nhân khi có hoặc phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì cần giám sát, đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích, hoặc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác. Các quy định trong luật này và các luật khác liên quan đến kê khai tài sản và thu nhập, giao dịch với người có liên quan và đề cử các chức vụ lãnh đạo trong DNNN tạo thành một bức tranh đầy đủ hơn về những gì DNNN cần làm để tuân thủ các quy định pháp luật. Ví dụ, Luật PCTN được bổ trợ bằng một Nghị định quy định việc quản lý chức danh, người giữ chức vụ và người đại diện lợi ích của chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp (Nghị định số 159/202/NĐ-CP). Theo Nghị định này, trường hợp người quản lý doanh nghiệp nhà nước, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiêm nhiệm nhiều chức danh, chức vụ khác nhau phải bảo đảm không được xung đột lợi ích. Theo Nhóm công tác được biết, lãnh đạo DNNN thường kiêm nhiệm nhiều vị trí.

Luật PCTN yêu cầu các DNNN - cả do nhà nước sở hữu toàn bộ và sở hữu đa số - phải công khai, minh bạch thông tin về tổ chức, hoạt động, trừ “nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật”. Cụ thể, DNNN phải công khai, minh bạch về việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Ngoài ra, các DNNN do nhà nước sở hữu toàn bộ cũng phải công khai, minh bạch về công tác tổ chức cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Việc công khai, minh bạch phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời, song DNNN được công khai dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu một DNNN chọn niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị, điều này sẽ hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của nhiều bên liên quan.

Yêu cầu này có trong quy định về các loại thông tin phải công bố trong Luật Doanh nghiệp (2020). Trên thực tế, có Luật Doanh nghiệp cũng như các luật và nghị định liên quan khác quy định về tính minh bạch (và tính liêm chính) của DNNN. Luật Doanh nghiệp yêu cầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty phải kê khai cho công ty về các lợi ích liên quan của mình, bao gồm: (i) thông tin nhận diện doanh nghiệp mà họ làm chủ hoặc sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần; tỷ lệ và thời điểm làm chủ, sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần đó; (ii) thông tin nhận diện doanh nghiệp mà những người có liên quan của họ làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng phần vốn góp hoặc cổ phần trên 10% vốn điều lệ.

Luật PCTN quy định nghĩa vụ kê khai tài sản và thu nhập của người giữ chức vụ “từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên” công tác tại DNNN (do nhà nước sở hữu toàn bộ), người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (bao gồm tại DNNN do nhà nước sở hữu đa số). Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; và tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Nhóm công tác hiểu rằng những cá nhân nêu trên phải hoàn thành kê khai trong vòng 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác, và sau đó là kê khai hằng năm.

Tài liệu tham khảo

[2] U4 Anti-Corruption Resource Centre (2012), Overview of corruption and anti-corruption in Vietnam, U4 Helpdesk Answer, https://www.u4.no/publications/overview-of-corruption-and-anti-corruption-in-vietnam.

[1] World Bank (2013), The Vietnam Anti–Corruption Initiative Program 2014 Launched with The Theme ’Transparency, Integrity and Accountability’, https://www.worldbank.org/en/news/press-release/2013/12/09/the-vietnam-anti-8211-corruption-initiative-program-20.

Ghi chú

← 1. Luật Phòng, chống tham nhũng (số 55/2005/QH11) đã được sửa đổi bằng Luật số 01/2007/QH12 năm 2007, Luật số 27/2012/QH13 năm 2012 và Luật số 36/2018/QH14 năm 2018.

← 2. https://vietnamnews.vn/politics-laws/1119280/hn-peoples-court-sentences-former-minister-of-industry-and-trade-to-10-years-in-prison.html

Siêu dữ liệu (metadata), pháp lý và quyền

Tài liệu này và các bản đồ được sử dụng sẽ không gây phương hại tới thực trạng hay chủ quyền đối với bất cứ vùng lãnh thổ nào, cũng như sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định các đường biên giới/ranh giới quốc tế, và tên gọi của bất cứ vùng lãnh thổ, thành phố hay khu vực nào. Việc trích xuất từ các báo cáo có thể phải đi kèm cùng với các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm bổ sung, đã từng được nêu trong báo cáo hoàn chỉnh truy cập tại đường link cung cấp.

© OECD 2022

Việc sử dụng tài liệu này, dù dưới dạng bản in hay kỹ thuật số, phải tuân theo các Điều khoản và Điều kiện đăng tải trên https://www.oecd.org/termsandconditions.