Tóm tắ t báo cáo

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các bước quan trọng trong việc cải thiện khung pháp lý về sở hữu và quản trị công ty trong DNNN. Việt Nam đã thành lập một cơ quan cấp bộ với tên gọi Ủy ban Quản lý Vốn nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy cổ phần hóa và phân tách giữa quyền sở hữu 19 doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước lớn nhất với chức năng quản lý nhà nước. Việt Nam đã ban hành Luật Doanh nghiệp mới, theo sau đó là các Nghị định và thông tư hướng dẫn tổ chức khu vực DNNN một cách hợp lý hơn. Với việc Chính phủ thực hiện rộng rãi các chương trình thoái vốn và cổ phần hóa, số lượng DNNN đã giảm từ 12.000 vào những năm 1990 xuống còn khoảng 2.100 doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại.

Liên quan tới các bước tiếp theo, gần đây Chính phủ đã công bố ý định sửa đổi Luật số 69 về Quản lý và Sử dụng Vốn nhà nước để phù hợp hơn với Bộ Hướng dẫn DNNN của OECD và lộ trình 5 năm áp dụng Chuẩn mực báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS). Gần đây, Chính phủ cũng đã đưa ra những cam kết quan trọng thông qua ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, điều này đòi hỏi tiếp tục thực hiện cải cách trong khu vực DNNN trong những năm tới.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu và tiếp tục thực hiện chương trình cải cách, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả và quản trị DNNN. Doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm 1/3 tổng sản phẩm quốc nội và chi phối nhiều lĩnh vực như năng lượng, vận tải, viễn thông và tài chính. Mặc dù Chính phủ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thiết lập và thực hiện khuôn khổ pháp lý quy định về sở hữu nhà nước, nhưng công tác này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, và Chính phủ còn thiếu thể chế và năng lực để thực thi các luật liên quan. Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một khung chính sách thống nhất và cụ thể về sở hữu doanh nghiệp. Khung chính sách về sở hữu nhà nước được xây dựng dựa trên một số văn bản mô tả quyền và trách nhiệm về sở hữu nhà nước của các đại diện Chính phủ.

Theo ngôn ngữ gốc của OECD, quyền hạn của CMSC nằm đâu đó ở giữa vai trò là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước hoặc cơ quan điều phối nhà nước. Cơ quan này có quyền điều phối đối với các DNNN trong danh mục quản lý, tuy nhiên một số quyết định quan trọng chỉ có thể được thực hiện với sự tham gia của các cơ quan khác trong Chính phủ. Hơn nữa, do CMSC có nguồn lực khá hạn chế và thiếu kiến thức chuyên sâu về ngành nghề hoạt động của các DNNN, nên trên thực tế, các bộ ngành chủ quản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các DNNN trong danh mục quản lý của CMSC.

Vì lý do nêu trên cùng với các lý do khác, các chức năng sở hữu nhà nước và điều tiết thị trường trên thực tế vẫn được thực hiện đồng thời trong nhiều trường hợp. Bên cạnh vai trò giám sát theo thành lập về thể chế, vai trò thứ hai phát sinh từ các quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước được đầu tư vào DNNN. Các vai trò này thường có mối liên hệ chặt chẽ với các mục tiêu chính sách công của chính phủ, nên không có sự rõ ràng giữa các hoạt động sản xuất và kinh doanh của DNNN với việc thực thi quyền lực chính trị của nhà nước. Mặc dù pháp luật Việt Nam không trao đặc quyền một cách rõ ràng về mặt pháp lý cho các DNNN hoặc các thành viên hội đồng, nhưng các DNNN được tạo điều kiện “thuận lợi” về mọi mặt, trong đó cả chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương trao cho các DNNN trực thuộc các đặc quyền như tiếp cận vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai, và nguồn nhân lực. Trên thực tế, quyền thực thi cạnh tranh đối với các hành vi chống cạnh tranh của các DNNN vẫn còn hạn chế và thường không liên quan tới việc giám sát để đảm bảo một sân chơi bình đẳng.

Mức độ công bố và chất lượng thông tin (bao gồm cả thông tin tài chính và phi tài chính) cũng khác nhau tùy thuộc vào bộ chủ quản chịu trách nhiệm hoặc bên kiểm soát liên quan, trong đó trang web của nhiều DNNN dường như không đảm bảo tính tuân thủ về công bố thông tin. Việc công bố thông tin của các DNNN mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn kém hiệu quả và thông tin về nghĩa vụ nợ của các DNNN không được công bố rộng rãi. Mặc dù Chính phủ đệ trình báo cáo tổng hợp lên Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, nhà nước không có một trang web chuyên dụng nào để đăng tải thông tin trong báo cáo và các thông tin về từng DNNN.

Vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo HĐQT trong các DNNN thực hiện vai trò của mình một cách mạnh mẽ và tự chủ. Các quy trình được các chính phủ áp dụng để đề cử và bổ nhiệm các thành viên HĐQT trong DNNN thường bị ảnh hưởng bởi mức độ mà nhà nước đã chuyên môn hóa chức năng sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp, quy mô tỷ lệ sở hữu nhà nước trong DNNN, và sự cân bằng giữa các ưu tiên thương mại và phi thương mại. Sự can thiệp về quyền sở hữu liên quan tới yếu tố chính trị dẫn đến phân công trách nhiệm không rõ ràng, thiếu trách nhiệm giải trình, và ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động của công ty.

Sự kết hợp hiện tại giữa các thủ tục kiểm soát của Đảng và Nhà nước tại DNNN với các thông lệ kinh doanh hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế tạo ra những thách thức lớn về hiệu quả kiểm soát nội bộ tại các DNNN - đặc biệt nhưng không chỉ bao gồm các DNNN 100% vốn nhà nước. Có vẻ như một trong những bộ phận kiểm soát hiệu quả nhất trong doanh nghiệp là Đảng ủy, tuy nhiên tổ chức này có thể không thực sự khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro tham nhũng một cách thực chất.

Siêu dữ liệu (metadata), pháp lý và quyền

Tài liệu này và các bản đồ được sử dụng sẽ không gây phương hại tới thực trạng hay chủ quyền đối với bất cứ vùng lãnh thổ nào, cũng như sẽ không ảnh hưởng tới việc phân định các đường biên giới/ranh giới quốc tế, và tên gọi của bất cứ vùng lãnh thổ, thành phố hay khu vực nào. Việc trích xuất từ các báo cáo có thể phải đi kèm cùng với các tuyên bố miễn trừ trách nhiệm bổ sung, đã từng được nêu trong báo cáo hoàn chỉnh truy cập tại đường link cung cấp.

© OECD 2022

Việc sử dụng tài liệu này, dù dưới dạng bản in hay kỹ thuật số, phải tuân theo các Điều khoản và Điều kiện đăng tải trên https://www.oecd.org/termsandconditions.